Tin cập nhật

Tin cập nhật

'Bí quyết ' vượt khó của Bắc Ninh

  • 17/12/2021

Vượt qua những khó khăn do đợt dịch lần thứ 4 gây ra, đến nay, Bắc Ninh đã kiểm soát thành công dịch bệnh, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tất cả các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường và thêm nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động (1.125 doanh nghiệp), với tổng số lao động là 320.000 lao động,... Vậy "bí quyết" của Bắc Ninh là gì?

Bắc Ninh là địa phương điển hình vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tháo gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp, bảo vệ người lao động

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.693 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,43 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,57% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 22.087 tỷ đồng, bằng 79,3% dự toán năm 2021, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,74%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 58,9 tỷ USD, tăng 21,79%. Các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon… đang đẩy mạnh sản xuất. Từ nay đến hết năm, do các đơn hàng tăng cho nên các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động để đáp ứng sản xuất.

Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Vừa qua, Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thêm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề...

Với quan điểm sản xuất phải an toàn, mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài chống dịch”, phát huy những thành quả chống dịch đã đạt được, duy trì chuỗi sản xuất, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở sản xuất tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối không tuyển lao động thời vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai hàng loạt các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để địa phương bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế.

Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh cũng triển khai một loạt các giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”; thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”; thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 3 cùng (cùng ở - cùng làm phân xưởng/tổ -cùng ăn).  

Tại các khu lưu trú của công nhân đều có Tổ an toàn COVID-19 quản lý, có camera giám sát kiểm soát, hạn chế sự tiếp xúc từ bên ngoài và yêu cầu công nhân không ra khỏi nơi ở sau 21 giờ. Các doanh nghiệp phải sử dụng xe ô tô đưa đón tập trung người lao động đi lại hằng ngày giữa các tỉnh khác/thành phố khác (không áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với tỉnh Bắc Ninh (không sử dụng xe máy; hàng tuần xét nghiệm 100% số lao động đi lại hằng ngày về các tỉnh/thành khác). Bố trí nhân viên y tế (hoặc người đã được tập huấn) để lấy thêm mẫu test nhanh ngay tại cổng nhà máy đối với những người có nguy cơ cao như: lái xe, nhân viên giao hàng, khách hàng từ tỉnh/thành khác...

Nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Hướng dần thu hút dự án hàm lượng công nghệ cao

Tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2021, Bắc Ninh đã thu hút được 97 dự án FDI đăng ký cấp mới, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng vốn đăng ký đạt 522 triệu USD, tăng 48,1%. Cũng trong 9 tháng, toàn tỉnh điều chỉnh vốn cho 64 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 106 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 58 lượt với giá trị 144 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/9/2021, Bắc Ninh có 1.693 dự  án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20,429 tỷ USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, chủ trương lâu dài của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn tới là sẽ hướng đến chủ trương thu hút FDI theo hướng “2 ít, 3 cao”. Do đặc thù là địa phương có diện tích nhỏ, nhưng lại có nhiều dự án đầu tư hoạt động, nên tỉnh Bắc Ninh xác định sẽ tiếp tục thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít” nghĩa là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động, bởi hiện các KCN tập trung trong tỉnh có quy mô trên 300 nghìn lao động với quy mô này số lao động địa phương chỉ đáp ứng được 25%, còn lại là lao động nhập cư. Lượng lao động nhập cư lớn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng của tỉnh, vì vậy tập trung những dự án sử dụng ít lao động cũng là để giảm áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, thực hiện chủ trương của Trung ương là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ “vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, sửa đổi quy chế quản lý khu công nghiệp; hằng tháng giao ban với Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,... Đồng thời, Bắc Ninh triển khai các giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, với phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất trên địa bàn./.

 

Đơn vị tổ chức

Đơn vị tổ chức

Hỗ trợ/Truyền Thông

VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
ARTA VIET NAM - VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
 VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN - VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
KEEPTAL VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
VIETBEST- VIEF - TRIỂN LÃM ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
VIEF - TRIỂN LÃM NGÀNH ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
CAFEBIZ VIEF - TRIỂN LÃM NGÀNH ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
VIEF - TRIỂN LÃM NGÀNH ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
VIEF - TRIỂN LÃM NGÀNH ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
 VIEF - TRIỂN LÃM NGÀNH ĐIỆN , ĐIỆN TỬ BẮC NINH
Gửi câu hỏi cho BTC Gửi câu hỏi cho BTC Xem tài liệu triển lãm Xem tài liệu triển lãm Liên hệ ngay chúng tôi Liên hệ ngay chúng tôi Facebook Facebook